Thảo cầm viên Sài Gòn trước nguy cơ đóng cửa vì nợ thuế gần 850 tỷ đồng

Ngày 10/12, trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Vũ Thị Hương Giang, Giám đốc Thảo cầm viên Sài Gòn cho biết, đơn vị đang lo lắng trước nguy cơ tạm ngưng hoạt động khi bị truy thu gần 850 tỷ đồng tiền nợ thuế.

Theo bà Giang, năm 2014, Thảo cầm viên Sài Gòn được UBND TPHCM ký quyết định cho thuê đất với diện tích 158.117m2 sử dụng vào mục đích công cộng theo chế độ trả tiền hàng năm, thời hạn 50 năm. Chi cục Thuế quận 1 đã thông báo tiền thuê đất trên toàn bộ diện tích kể trên, tổng số tiền mỗi năm là 163,3 tỷ đồng.

Đến nay, Chi cục Thuế quận 1 đã thông báo tiền nợ thuế của Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn tính đến ngày 31/10 là hơn 846 tỷ đồng. Trong đó, tiền quá hạn phải thực hiện cưỡng chế nợ thuế là hơn 787 tỷ đồng.

Bà Giang cho biết, việc cưỡng chế nợ thuế là quy định của luật thuế. Cơ quan thuế cũng thông cảm cho Thảo cầm viên Sài Gòn, nhưng phải ra thông báo cưỡng chế theo luật. Tuy nhiên, việc cơ quan chức năng cưỡng chế bằng cách đóng hóa đơn, tài khoản, sẽ khiến đơn vị gặp khó vì không ai bán thức ăn cho thú.

Cách nay hơn một tuần, UBND TPHCM đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo vụ việc, đơn vị cũng trình bày về nguồn gốc đất, vì sao phát sinh số nợ trên. Một giải pháp được các sở, ngành, thảo luận từ đầu năm là phải điều chỉnh lại quyết định năm 2014.

“Thảo cầm viên đang thuê đất của thành phố với diện tích 158.117m2. Tuy nhiên, đơn vị hiện chỉ dùng 5.590m2 để kinh doanh dịch vụ. Toàn bộ đất còn lại được làm chuồng trại, cảnh quan công viên và dịch vụ công cộng không vì mục đích lợi nhuận. Thảo cầm viên đề nghị với thành phố được đóng thuế trên phần đất sử dụng làm kinh doanh”, bà Giang nói.

Theo lãnh đạo Thảo cầm viên Sài Gòn, sau cuộc họp hồi đầu năm với các sở, ngành, đơn vị cũng làm hồ sơ gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, nhưng đến nay vẫn chưa có thông báo. Cách đây hơn một tuần, UBND TPHCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường phải làm việc, điều chỉnh lại quyết định trên, nhưng sẽ rất lâu dài và tốn thời gian.

Thảo cầm viên Sài Gòn cũng đã làm văn bản báo cáo những vướng mắc, đề xuất tạm hoãn cưỡng chế, thu khoản nợ trên, vì khi điều chỉnh các quyết định, số nợ sẽ không còn.

“Hàng năm, Thảo cầm viên Sài Gòn vẫn đóng tiền thuê đất trên diện tích kinh doanh theo đúng đơn giá của Nhà nước, nhưng không thể nào nộp được 163 tỷ đồng. Mỗi năm đơn vị đóng khoảng 6 tỷ đồng”, bà Giang cho hay.

Bà Giang nêu ví dụ, nếu Thảo cầm viên Sài Gòn là một doanh nghiệp đúng nghĩa, khi nuôi hổ để trưng bày thì chỉ nuôi một cặp, vì mỗi ngày phải tốn tiền chăm sóc rất lớn. Tuy nhiên, đơn vị làm về bảo tồn nên phải nuôi và để hổ đẻ ra thêm, đến khi đủ điều kiện tái thả về tự nhiên.

“Có những con hổ già, đơn vị vẫn phải nuôi đến khi con thú chết, chứ không được phép làm cho vật chết trước, dù không phục vụ trưng bày. Đó là sự khác nhau giữa đơn vị làm kinh doanh đơn thuần và đơn vị làm công tác bảo tồn”, bà Giang phân tích.

Giám đốc Thảo cầm viên Sài Gòn cho hay, giá vé vào tham quan cũng quá thấp, nếu lấy cao hơn sẽ gây khó cho học sinh, người lao động. Trước đây, UBND TPHCM cũng hiểu và xác định Thảo cầm viên Giám đốc Thảo cầm viên Sài Gòn không hoạt động theo cơ chế lợi nhuận và muốn đây là nơi đông đảo người dân tới được.

Hiện đơn vị rất cần nâng cấp đường trong sở thú, nhưng không có tiền để làm. Những việc này cần cơ chế hỗ trợ của thành phố một cách tổng thể, nhưng hiện cũng chưa được xem xét.

“Đối với thành phố lớn như TPHCM, không có được một sở thú hoặc điểm đến đúng tầm, chúng tôi cũng hổ thẹn vì du khách không có chỗ để vui chơi, giải trí. Thảo cầm viên Sài Gòn muốn được nâng cấp lên đúng tầm cũng không có tiền để làm. Ngoài hỗ trợ của thành phố, bản thân của Thảo cầm viên Sài Gòn cũng đang rất khó khăn”, bà Giang phân trần thêm.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *